Canh chua với cá lóc khô (thay vì cá lóc tươi), giá tự làm, thơm đóng hộp, rau thơm phơi khô mẹ gửi sang. Tôm khô nhờ đồng hương mua ở Helsinki. Củ kiệu mua tại một tiệm người Việt ở Oulu. Thêm thịt kho hột vịt và chả giò, xà lách trộn là đủ tươm tất mâm cỗ rước ông bà.
Dĩ nhiên không thể thiếu mâm ngũ quả với cà, thơm, kiwi, xoài, tượng trưng “cầu - thơm - quý - xài” vậy, chứ đòi hỏi “cầu vừa đủ xài” thế nào được. Treo lên tường bức tranh Đông Hồ mang tên “Phú Quý”, tôi thay chiếc áo dài, thấy hiển hiện đủ đầy một góc Việt Nam…
Đón cái Tết tha hương đầu tiên, tôi một mình nhưng không thấy đơn côi. Mỗi ngày tôi đều cúng cơm ông bà ít nhất một lần. Dù không nhang khói, không bánh tét, bánh chưng, mai vàng cúc thắm, Tết Nguyên đán với tôi vẫn trọn vẹn đủ đầy và ấm áp tình thân.
Nhưng ý nghĩa lớn nhất của cái Tết xa nhà chưa dừng lại ở đó. Tôi cảm nhận rõ ràng hơn về văn hóa nước mình khi chia sẻ những bức ảnh chụp và phong tục Tết với Mike Hurd – một giáo viên người Mỹ luôn hứng thú với văn hóa Việt Nam, và rất vui mừng khi gặp một sinh viên “100% Việt Nam” như tôi.
Thầy Mike tâm đắc với tập tục cúng ông bà, ca ngợi người Việt đã không cho phép cái chết chia lìa mình với người thân. Khác với phương Tây nơi khoa học và tôn giáo không bao giờ ngồi chung bàn, phong tục này cho thấy tư duy phương Đông không đối lập hai lĩnh vực trên mà chọn cách dung hòa trong chiều sâu tư tưởng và truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Khi nghe tôi nói “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, Mike sửng sốt trước sự trọng thị và tôn vinh mà xã hội Việt Nam dành cho nhà giáo, đồng thời cũng cảm thấy lo lắng về sự bất toàn của mình. Là con người, ai mà không có khuyết điểm, thầy tôi hy vọng rằng trong xã hội mà người thầy đứng thứ ba sau cha mẹ, giáo viên cũng được quyền không hoàn hảo.
Và hơn hết, email kể chuyện Tết của tôi đầy ắp những hình ảnh, sắc màu, hương vị ngọt ngào, không khí rộn ràng và kỉ niệm tươi đẹp. Thầy Mike chia sẻ rằng trước khi đọc thư tôi, ấn tượng đầu tiên mà từ “Tết” gợi nên cho ông là cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 – biểu tượng của cuộc chiến đầy thương đau mà đất nước ông đã gây ra ở Việt Nam. Cho nên đối với Mike và những người Mỹ ở thế hệ của ông, “Tết” là một từ ám ảnh cả đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét